|

Du lịch địa chất trên đất Mỹ

Du lịch địa chất  (Geotourism) là một cách tiếp cận du lịch theo định hướng phát triển du lịch bền vững, liên quan đến việc du lịch tập trung vào các điểm thăm quan địa chất và địa mạo, cung cấp cho khách du lịch thông tin về cơ chế hình thành, lịch sử phát triển của các thắng cảnh và những sản phẩm tự nhiên được hình thành, cùng các giá trị về môi trường thẩm mỹ, văn hóa, phúc lợi của cư dân địa phương, giúp khách du lịch cảm thấy hứng thú khi tham quan các thắng cảnh và đồng thời tạo nhận thức về tầm quan trọng của việc bảo vệ và duy trì những danh lam thắng cảnh này. Nhắc đến du lịch địa chất, không đâu bằng nước Mỹ nhờ diện tích rộng, hệ sinh thái đa dạng, cảnh quang trù phú với những dãy núi hùng vĩ, thung lũng mênh mông, sông hồ, đảo và quần đảo đẹp như tranh vẽ, môi trường biển nguyên sơ; chưa kể đến sự giao thoa giữa các nền văn hoá; và quan trọng nhất là việc bảo tồn luôn được coi trọng. 

Cụm công viên quốc gia Mighty Five, Utah 

Trong chuyến rong ruổi trên đất Mỹ kéo dài 5 tuần, chúng tôi có dịp đặt chân đến những địa danh với cảnh quang thiên nhiên choáng ngợp. Một trong số đó là Mighty Five – cụm 5 công viên quốc gia tại Utah, bao gồm Zion, Bryce, Capitol Reef, Arches, Canyonlands. Mỗi công viên có diện tích lớn bằng cả một thành phố (300 – 500 km2), mang “đặc điểm nhận dạng” không thể nhầm lẫn và đương nhiên, được áp dụng những phương pháp khác nhau nhằm bảo tồn những nét đặc trưng đó. 

Nằm ở ngã ba của các vùng Cao nguyên Colorado, Great Basin và Sa mạc Mojave, công viên Zion có vị trí địa lý độc đáo và nhiều khu vực sinh vật đa dạng cho phép tạo ra sự đa dạng động thực vật khác thường. Để giảm tắc nghẽn giao thông và bảo vệ môi trường sa mạc mong manh, công viên đã triển khai hệ thống xe buýt đưa đón khách đến những con đường mòn mà từ đó, du khách có thể cuốc bộ men theo những vách đá để chiêm ngưỡng thiên nhiên. Chúng tôi ấn tượng với màu xanh từ con sông Virgin. Khi đứng trên cao nhìn xuống, sông Virgin như một tấm lụa mỏng mềm mại ôm ấp những khối đá to thô ráp. 

Công viên quốc gia Bryce Canyon, một khu bảo tồn rộng lớn ở miền nam Utah, nổi tiếng với những khối đá hình chóp màu đỏ thẫm (gọi là Hoodoos). Băng và mưa, các yếu tố tự nhiên của quá trình phong hóa và xói mòn đã khiến những tảng đá vỡ ra thành những bức tường, cửa sổ, và sau đó trở thành những hoodoos. Công viên đã nỗ lực giáo dục du khách về việc bảo tồn những hoodoos có kích thước từ chiều cao của một người trung bình đến chiều cao vượt quá một tòa nhà 10 tầng. Ngoài ra, Bryce còn được ghi nhận là nơi có bầu trời tối tuyệt đẹp nên được khuyến khích giảm thiểu ô nhiễm ánh sáng. 

Tại sa mạc trung tâm phía nam của Utah, công viên quốc gia Capitol Reef được biết đến với phần lớn diện tích là khối đá nhô lên dài gần 100 dặm (160 km) được gọi là Waterpocket Fold—một cột đá kéo dài từ Núi Thousand Lake đến Hồ Powel. Công viên được đặt tên theo những vách đá sa thạch Navajo màu trắng với hình dạng mái vòm chạy từ Sông Fremont đến Lạch Pleasant trên Waterpocket Fold. Ngoài ra, khu vực này còn nổi tiếng với nhiều vườn cây ăn quả lịch sử được bảo tồn như di sản nông nghiệp. Táo, anh đào, mơ, lê, đào và mận chỉ là một số loại trái cây phát triển tốt trong môi trường này.

Trong khi đó, công viên quốc gia Arches nằm giáp ranh với sông Colorado ở phía đông nam, nó được biết đến là nơi có hơn 2.000 vòm đá sa thạch tự nhiên tạo thành các cổng vòm lớn. Chúng tôi đến đây lúc tờ mờ sáng, chạy xe quanh công viên, ngắm các mái vòng hiện lên từ xa dưới ánh nắng mai như những chiếc cổng dẫn sang một thế giới khác không có dấu chân của loài người, sau đó đi bộ theo những con đường mòn để có thể ngắm nhìn vẻ đẹp vững chải mà cũng thật mong manh kia. Thiên nhiên biến đổi khôn lường. Do đó, có nhiều biện pháp bảo tồn được áp dụng để ngăn ngừa xói mòn xung quanh các vòm đá. 

Tại Arches, chúng tôi cũng được trải nghiệm nhà vệ sinh không có nước. Qua đó mới biết, nước là nguồn tài nguyên quý giá, đặc biệt ở những vùng khô cằn như Utah. Bằng cách thiết kế nhà vệ sinh không có nước, chính quyền công viên giảm thiểu việc sử dụng nước và giảm tác động đến hệ sinh thái địa phương. Trong nhà vệ sinh chỉ có một bồn vệ sinh bên trên một hố xí lớn và cuộn giấy vệ sinh loại có thể dễ dàng phân huỷ. Chất thải được bơm ra định kỳ và xử lý đúng cách. Cách tiếp cận này tránh làm ô nhiễm nguồn nước gần đó. Nhà vệ sinh không có nước đóng vai trò là công cụ giáo dục. Du khách tìm hiểu về bảo tồn nước, xử lý chất thải có trách nhiệm và tầm quan trọng của các hoạt động bền vững.

Lúc xem ảnh, chúng tôi đã dự định đến thăm công viên quốc gia Canyonlands nhưng một vài thông tin thú vị đã khiến chúng tôi muốn đến tận nơi. Tác giả Edward Abbey, một du khách thường xuyên, đã mô tả Canyonlands là “nơi kỳ lạ, tuyệt vời và huyền diệu nhất trên trái đất—không có nơi nào giống như vậy ở bất cứ đâu”. Cái cảm giác kỳ lạ xâm chiếm lấy chúng tôi khi đứng cheo leo giữa Island In The Sky – một ngọn núi đỉnh phẳng (mesa) rộng và bằng phẳng ở phần phía bắc của công viên, giữa sông Colorado và sông Green. Tôi tự hỏi, nếu người ta cho xây dựng cáp treo, công viên giải trí ở khu vực này, liệu con người có còn nơi nương náu nữa không? Rất may, công viên đưa ra các chính sách giảm thiểu tác động của con người với các chiến dịch giáo dục khuyến khích các hoạt động cắm trại và đi bộ đường dài có trách nhiệm.

Công viên quốc gia Big Bend, Texas

Là công viên quốc gia của Mỹ nằm ở phía Tây Texas, giáp biên giới Mexico và là khu vực được bảo tồn lớn nhất về địa hình và hệ sinh thái sa mạc Chihuahuan ở Hoa Kỳ, nơi đây bảo vệ hơn 1.200 loài thực vật, hơn 450 loài chim, 56 loài bò sát và 75 loài động vật có vú. Chúng tôi dành một ngày leo núi Chisos và một ngày chèo thuyền kayak dọc sông Rio Grande. Khi leo núi, chúng tôi được hướng các cách tự vệ khi gặp gấu. Khi được hướng dẫn viên du lịch chở trên chiếc xe bán tải băng qua sa mạc rộng lớn để đến hẻm núi Santa Elena chèo thuyền, chúng tôi được nghe kể về tên gọi và công dụng của bao nhiêu loài thực vật. Khi chạy xe loanh quanh, chúng tôi gặp rất nhiều biển báo giảm tốc độ vì có thể gặp động vật hoang dã băng qua đường. 

Một điểm đặc biệt khiến nơi đây trở thành “thiên đường” trong lòng chúng tôi chính là bầu trời đêm tối nhất nước Mỹ. Tôi vẫn nhớ cảm giác mò mẫm gắp thức ăn trong ánh đèn leo lét từ chiếc đèn pin du lịch khi ngồi giữa sa mạc, bên dưới bầu trời sao. Nỗ lực duy trì bầu trời tối nhất nước Mỹ đã được hiện thức hoá bằng lượng nhà thưa thớt. Từ cổng công viên vào bên trong, dĩ nhiên không có nhà cửa. Còn lại, bên ngoài, người dân chủ yếu tập trung sống thành từng cụm nhỏ. Và nơi chúng tôi nghỉ qua đêm – thị trấn Terlingua – cách cổng công viên tầm 1 tiếng lái xe, phải đến hơn chục km mới thấy bóng dáng một căn nhà. Nhà cửa ở đây cũng được dựng lên đơn giản, như thể chúng chỉ là một nhân chứng bé nhỏ chứng kiến sự chuyển động của thiên nhiên qua thời gian. 

Công viên quốc gia Yosemite, California 

Công viên quốc gia Yosemite nằm ở vùng núi Sierra Nevada của California. Trong số những công viên chúng tôi ghé thăm, nơi đây có vẻ tươi vui hơn hẳn, bởi thiên nhiên California được ưu đãi với mảng xanh mướt từ cây cối, hoa cỏ, thác, suối,.. Được chỉ định là Di sản Thế giới vào năm 1984, Yosemite được quốc tế công nhận nhờ những vách đá granit, thác nước, dòng suối trong lành, rừng cây tùng khổng lồ, hồ, núi, đồng cỏ, sông băng và sự đa dạng sinh học, là một trong những khối môi trường sống lớn nhất và ít bị chia cắt nhất ở Sierra Nevada. Gần 95% diện tích công viên được coi là vùng hoang dã. Chúng tôi thả trôi tâm trí theo cơn gió xào xạc qua những rặng cây, lặng người trước những thác nước đổ xuống từ vách đá cao, mạnh mẽ và yêu kiều, như tấm voan cài tóc của cô dâu trong ngày cưới. 

Với tinh thần “Keep it wild” (giữ sự hoang dã), công viên đã thực hiện nhiều dự án như bảo tồn 3 lùm cây cổ thụ khổng lồ, khôi phục sự cân bằng của tự nhiên bằng cách loại bỏ các loài thực vật xâm lấn. Để phát triển song song với ngành du lịch, Yosemite có đầy đủ các tiện ích từ cửa hàng, nhà hàng, chỗ ở, bảo tàng Yosemite và phòng trưng bày Ansel Adams với các bản in về phong cảnh đen trắng nổi tiếng của nhiếp ảnh gia trong khu vực. Có rất nhiều công trình kiến trúc trở thành di tích lịch sử quốc gia. Trong lúc thưởng thức bữa trưa dưới những tán cây, tôi chú ý đến một chi tiết là tấm biển hướng dẫn sử dụng thùng rác. Ngoài hướng dẫn phân loại rác, trên đó đó có một câu nhắc du khách đóng nắp thùng rác cẩn thận, tránh để gấu và các loài động vật hoang dã khác bị thu hút bởi mùi thức ăn mà tìm đến. Việc ăn thức ăn không phù hợp sẽ khiến chúng dễ mắc bệnh. Chỉ với điều nho nhỏ ấy thôi, tôi thấy yêu nơi này thêm gấp nhiều lần. 

Du lịch địa chất – du lịch có trách nhiệm 

Những quan sát nhỏ từ chuyến đi này giúp tôi nghiệm ra rằng phát triển du lịch bền vững cũng như bảo tồn cảnh quan thiên nhiên không có nghĩa là không được phép can thiệp vào cảnh quang bằng việc xây dựng cơ sở hạ tầng mà vấn đề là đầu tư vào cơ sở hạ tầng như thế nào cho bền vững, chẳng hạn như có thể xây dựng các tòa nhà tiết kiệm năng lượng, nguồn năng lượng tái tạo và các biện pháp bảo tồn nước. 

Chính phủ Hoa Kỳ đã chỉ định các công viên quốc là khu vực được bảo tồn nhằm đảm bảo những cảnh quan nguyên sơ này vẫn không bị ảnh hưởng bởi sự phát triển hoặc khai thác sai cách. Cơ quan Công viên Quốc gia (NPS) đã thực hiện nhiều chính sách như hợp tác với các chủ đất tư nhân để thiết lập các quyền sử dụng đất bảo tồn xung quanh các công viên quốc gia, cung cấp các chương trình giáo dục cho du khách, nhấn mạnh vào việc bảo tồn, bảo vệ động vật hoang dã và các hoạt động ngoài trời có trách nhiệm, hợp tác với các bộ lạc người Mỹ bản địa để kết hợp kiến thức sinh thái truyền thống vào quản lý công viên, v.v 

Thiết nghĩ, du lịch có trách nhiệm không chỉ là ý thức của chính phủ trong việc bảo tồn mà còn cần ý thức đi lu lịch có trách nhiệm của mỗi con người – thành tố bé nhỏ thuộc về tự nhiên, làm nên tự nhiên. Chuyên trang du lịch National Geographic đưa ra lời khuyến khích cho du khách rằng khi đến bất kỳ đầu, hãy tìm hiểu về nơi chốn ấy (thành tạo địa chất, lịch sử, văn hoá, v.v..). Khi hiểu, ắt hẳn chúng ta sẽ cảm thấy yêu hơn! Ngoài ra, hãy đi du lịch mà không để lại dấu vết bằng cách giảm thiểu mọi tác động của chúng ta đến môi trường sống của các loài động thực vật tự nhiên.  

Một điều rất vui tôi quan sát được khi đến thăm những địa điểm kể trên đó là sự chậm rãi của những du khách. Họ đến đây như để tìm lại bản thể của chính mình khi gạt bỏ tất cả tên tuổi, nghề nghiệp, vị trí xã hội,… nên cứ đợi chờ cho những lời chỉ dẫn từ thiên nhiên. Nhìn những gương mặt thư giãn ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên – là sa mạc, là đỉnh núi, là những vách đá cao sừng sững, là dòng sông mềm mại len giữa khe núi – chợt tôi nhớ đến câu hát của cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn: “Tôi thu tôi bé lại làm mưa tan giữa trời”. Phải rồi, tôi trống rỗng như hạt mưa. Mọi nỗi buồn, sợ hãi, giận dữ, và cả tình yêu đều trở nên nhỏ bé trước thế giới bao la. Sự trống rỗng ấy… quả thực, dễ chịu đến lạ kỳ! 

 

 

THÔNG TIN DU LỊCH 

  • Để thực hiện chuyến road trip Mỹ, bạn có thể thuê xe qua công ty Enterprise, chỉ cần đặt hẹn qua website và mang theo bằng lái xe quốc tế để nhận xe. Trong trường hợp bạn bay đến từng bang rồi mới thuê xe, ở một số thành phố, Enterprise có trụ sở ngay tại sân bay giúp cho việc nhận và trả xe thuận tiện. Về luật sử dụng bằng lái quốc tế, mỗi bang sẽ có quy định khác nhau. Bạn nhớ tìm hiểu thông tin trước chuyến đi nhé! 
  • Một số công viên quốc gia tại Mỹ thu hút rất đông du khách ghé thăm và một số công viên chỉ bán một số lượng vé nhất định mỗi ngày để tránh việc có quá nhiều người cùng lúc đổ xô vào công viên, ảnh hưởng xấu đến môi trường tự nhiên. Có thể sẽ không còn vé cho 3-6 tháng tiếp theo. Do đó, bạn nên đặt mua vé trước qua website của từng nơi.
  • Mỗi công viên được thiết kế sẵn nhiều đường mòn đi bộ (trail). Có những đường mòn rất dài và khó đi, kéo dài vài ngày, dành cho dân hiking chuyên nghiệp. Bạn có thể download app All Trails để tìm hiểu về các đường mòn đi bộ để chọn trail phù hợp với lịch trình và sức khoẻ. 
  • Một số nơi phải có hướng dẫn viên du lịch mới đến được. Trong trường hợp này, bạn có thể dễ dàng đặt tour qua các công ty du lịch. 

_Bài đăng trên tạp chí Travellive số tháng 4/2024 

 

Bài viết tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *