Hương vị Tây Bắc-Hòa Bình

Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Nam, lấy chồng là người miền Bắc. Từ ngày trở thành bạn cùng nhà với “anh Bắc kỳ khó tính”, tôi thấy sự khác nhau về văn hóa giữa hai miền vô cùng thú vị, và luôn muốn tìm hiểu sâu hơn.

Anh thường kể cho tôi nghe về những tỉnh/ thành ở khu vực Bắc bộ mà anh từng đi qua. Tôi ấn tượng nhất về sự hùng vĩ và những món ăn ngon miệng, lạ mắt của núi rừng Tây Bắc. Anh nói “nhất định, anh sẽ đưa em đi”.

Một ngày kia, anh gợi ý chúng tôi sẽ chọn Tây Bắc cho chuyến du xuân 2016. Từ Ba Vì (quê anh), chúng tôi đi Hòa Bình, Mộc Châu, Điện Biên. Càng đi xa về phía Tây Bắc, cảnh vật càng đẹp, con người có lối sống càng gần với thiên nhiên và thức ăn càng đậm đà.

Tôi sẽ kể cho bạn nghe từng chút một, điểm đến đầu tiên sẽ là Hòa Bình bạn nhé!

Hôm đó là mùng 4 Tết. Từ Ba Vì quê anh, chúng tôi đi Bản Lác – Hòa Bình bằng xe nhà. Anh Yên – người anh họ của chồng tôi, hiện là trưởng thôn Vân Sa, xã Tản Hồng. Ngoài những việc liên quan đến thôn – xã, công việc chính của anh là đánh xe đi khắp nơi, đưa – đón những người cùng quê có việc ở tỉnh khác, hoặc những người sống ở tỉnh về thăm quê.

Tôi nhớ, mỗi lần anh đón chúng tôi ở sân bay, anh luôn chở theo thằng nhóc con anh năm nay 4 tuổi. Mười lần như mười, mặc xe đi đâu cứ đi, ai nói gì cứ nói, cu cậu ngủ say sưa, thoải mái. Trên đường đi, thi thoảng anh đánh thức thằng nhóc và trêu nó “Nào, nào! Bố chở mày theo để nói chuyện cho bố đỡ buồn mà mày cứ ngủ thế kia là sao hả con? Cảnh đẹp lắm kìa! Dậy xem nào con!”

Hôm anh đưa chúng tôi đi Hòa Bình cũng không quên dắt nó theo. Vợ chồng tôi, hai người bạn nữa, anh Yên và chàng-trai-bốn-tuổi-luôn-ngủ–trên-xe – tổng cộng “6 anh em trên một chiếc ô tô”. Xe chạy 3 tiếng rưỡi là tới nơi, đã tính luôn cả thời gian anh em chúng tôi dừng lại giữa đường để chụp ảnh ở những đoạn cảnh đẹp không cầm lòng được.

Bản Lác thuộc huyện Mai Châu, tỉnh Hoà Bình, nằm giữa thung lũng, ôm quanh bởi những vách đá vôi.

Lúc mới tới bản, tôi nghĩ, nơi đây đã bị thương mại hoá mất rồi, vì tất cả người dân trong bản đều kinh doanh nhà nghỉ kiểu nhà sàn, quán ăn hoặc buôn bán những món đồ thủ công. Nhưng sau khi vào trọ ở một trong những nhà nghỉ có chủ nhà là người dân tộc Thái nói tiếng Kinh hơi lơ lớ, đi bộ vòng quanh bản, cảm nhận của tôi khác đi một chút.

Ở đây, đúng là nơi dành cho khách du lịch, nhưng sự xô bồ là do những con người thành thị cuộn theo hành trang của họ. Còn người ở bản, họ kinh doanh, nhưng rất hiền lành, thật thà. Trong câu nói không có sự ngờ vực. Trong ánh mắt không có sự hoài nghi. Trong hành động không có sự vồn vã. Cuộc sống ở bản Lác mỗi ngày vẫn trôi qua yên bình theo cách riêng của nó.

Trên hình là hạt mắc khén – một loại nguyên liệu đặc trưng ở Tây Bắc.

Hạt này còn gọi là tiêu rừng, vì khi nếm từng hạt mắc khén, bạn sẽ thấy tê tê nơi đầu lưỡi. Còn tôi gọi đó là linh hồn của ẩm thực Tây Bắc. Đa phần các món ăn ở đây đều dùng hạt mắc khén làm gia vị nêm. Đặc biệt là thịt hay cá nướng, nếu thiếu mùi thơm nồng của mắc khén thì mất cả ngon.

Mắc khén mọc từng chùm, được hái, phơi khô, rang trên chảo nóng, giã nhuyễn thành dạng bột rồi cất vào lọ đậy kín nắp cho khỏi bay mùi. Bạn có thể tìm mua bột mắc khén đóng lọ sẵn từ các trang web bán đặc sản Tây Bắc.

Chỗ mắc khén này tôi được cô chú chủ nhà ở Mộc Châu dúi vào tay. Ban đầu tôi ngỏ ý nhờ cô chú mua giúp nhưng cô nói hạt này con gái cô sống trong bản phơi rồi cho cô để cô nấu ăn cho khách nghỉ trọ. Ở chợ có bán, nhưng không thơm đâu. Cô chú không cho các cháu hết được vì nấu thức ăn không có mắc khén không được đâu, nhưng cô chú chia lại cho các cháu một ít vào túi này nhé. Tôi định từ chối, sẽ tìm mua sau, nhưng chưa kịp nói tiếng nào cô đã gói xong chỗ mắc khén tặng chúng tôi vào một túi báo nhỏ. Tôi biết ơn cô chú lắm!

Ở bản Lác, chúng tôi nghỉ qua đêm tại nhà sàn số 7. Nhà sàn ở đây có hai dạng:

1) phòng có giường dành cho 1-2 khách muốn ở riêng, nhưng diện tích rất nhỏ, và không được thoáng khí.

2) cả một sàn rộng thênh thang đủ chỗ cho 30 – 40 người trải nệm nằm cạnh nhau. Phòng vệ sinh và phòng tắm sử dụng chung, nằm gần khu vực bếp và chỗ ở của chủ nhà.

Ăn tối xong, anh Yên và nhóc con về lại Ba Vì, chúng tôi còn lại 4 người. Hôm đó nhà sàn chỉ có vài nhóm khách, nên chị chủ nhà cho chúng tôi thuê cả sàn lớn với giá 400.000đ/ đêm. Tôi đã hỏi dò giá ở các nhà bên cạnh, nên bảo “chị ơi, ba trăm nhé”. Chị vui vẻ ừ rồi dẫn chúng tôi lên, tay chỉ vào mấy tấm đệm và chăn xếp chồng lên nhau ở góc nhà sàn, “đây nhé, tối các em ngủ cứ trải đệm ra nằm thoải mái, hành lý thì để ở đây, chỉ có cửa trước khóa được thôi nên em ra ngoài thì cài khóa, đi ra bằng cửa sau, cầu thang phía đó chỉ có người nhà, không lo mất đồ đâu nhé”.

Chúng tôi dặn chị chủ nhà trọ làm cơm. Trong khi đợi cơm chín, cả nhóm đi loanh quanh bản Lác. Buổi tối ở đây tuy nhiều khách du lịch nhưng khá yên bình. Có rất nhiều những quầy hàng bán đồ thổ cẩm (áo, túi xách, ví, mũ, khăn choàng..) với giá cực mềm.

Tôi thích mua sắm nên đứng giữa thiên đường thổ cẩm màu sắc vừa đẹp vừa rẻ, mê quên đường về, vòi vĩnh anh mua cho bằng được 1 chiếc ba lô, 1 chiếc ví cầm tay, và 1 quả pao màu xanh biển. Tôi tặng lại anh chiếc mũ thổ cẩm màu kem pha nâu (là màu anh thích).

Trên hình này là các bạn ở miền xuôi như chúng tôi, lên đây thuê trang phục dân tộc rồi đi chơi, chụp ảnh, mua sắm quanh bản.

Các chàng trai nán lại hơi lâu ở quầy hàng treo lủng lẳng tù và, sáo, tiêu, trống, chiêng, lục lạc, bình hồ lô, súng bắn chim, gùi tre, dao phát cây đi rừng, vân vân và mây mây. Tôi không mê công dụng của mấy món đồ này như các anh ấy. Nhưng nếu không phải lỉnh kỉnh đồ đạc để tiếp tục hành trình, tôi cũng đem hết mấy món đồ này về. Decor nhà thì đẹp khỏi chê!

Buổi tối ở bản Lác, ngoài mua sắm thì ăn uống ở các nhà quanh đấy cũng là một trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên chúng tôi dặn chị chủ nhà nấu cơm rồi nên không ghé vào nhà nào khác, sau bữa cơm tối mới lượn thêm một vòng nữa, thấy nhà anh kia có trâu gác bếp (món khoái khẩu của hai vợ chồng) nên gọi 2 xiên cho 4 người ăn.

Trâu gác bếp là món ăn đặc trưng ở Tây Bắc, bên ngoài có màu nâu sẫm hoặc đen nhưng từng thớ thịt bên trong có màu đỏ tươi đẹp mắt.

Tôi nghe anh bạn quê ở Điện Biên kể từ ngày xưa người dân tộc thiểu số làm trâu gác bếp bằng cách lọc lấy thịt trâu thành từng mảng lớn rồi treo lên gác bếp trên giàn than củi nóng, hong cho thịt khô dần. Sau này, người Kinh nghiên cứu không treo thịt từng tảng lớn nữa mà thái thành từng miếng nhỏ vừa ăn, cho thêm tiêu, ớt và các loại gia vị khác vào ướp thịt rồi mới đem hong để tạo vị đậm đà cho từng thớ thịt.

Bình thường ở nhà tôi, thịt trâu được chuyển tới ở dạng đông lạnh nên trước khi ăn, chúng tôi rã đông bằng lò vi sóng. Ở đây, anh chủ nhà đem hai xiên trâu vào bếp ngâm nước ấm cho mềm rồi giã thêm gừng tươi trộn đều, mang ra cho chúng tôi.

Lẽ ra, thịt trâu gác bếp chấm với chẳm chéo là hợp nhất nhưng chắc sợ khách du lịch ăn chẳm chéo không quen nên anh chủ nhà đưa cho chúng tôi đĩa tương ớt.

Bỏ qua phần đồ chấm, phải nói, thịt trâu gác bếp ở đấy ăn ngon hơn loại chúng tôi hay nhờ cô em chồng đặt mua rồi chuyển từ Hà Nội vào trong Nam. Thịt trâu mềm và ngọt, hăng hăng mùi khói và đậm đà vị ớt – tiêu rừng.

Ngoài trâu gác bếp, quanh bản có nhiều sự lựa chọn khác như dê núi, cá suối nướng, ngô nướng, cơm lam..

Bữa cơm tối đó chị chủ Nhà sàn số 7 chuẩn bị cho chúng tôi khá thịnh soạn. Chị nói “may quá, có đoàn kia họ đi đông người, chị mổ một con lợn mán, vừa đủ dọn thêm mâm nữa cho các em”.

Mâm cơm của chị có 5 món chính được chế biến từ lợn mán: tiết canh, lòng luộc, thịt lợn hấp cách thủy, thịt lợn kẹp mắc mật nướng than hoa và giả cầy, ăn kèm đĩa muối, tiêu trộn lẫn hạt dổi rất thơm. Còn có các loại rau sống ăn kèm, cải mèo luộc gừng, đậu que xào tỏi. Và bát nước luộc rau. 6 người ăn no căng bụng hết tổng cộng 800 nghìn, tính ra khoảng 133 nghìn/ người.

Lợn mán Hòa Bình là giống lợn bản vùng cao, được nuôi dân dã bằng cám ngô, cám gạo và rau củ quả. Thịt mềm và ngọt, mỡ thơm không ngấy, đặc biệt có lớp da màu đen không quá dày không quá mỏng ăn rất giòn.

Ngoài các món trên kia, các món sau đây cũng liệt vào danh sách đặc sản Tây Bắc: thịt lợn nấu rựa mận, thịt lợn xào sả ớt, xương lợn nấu măng… Nhắc tới đây tôi lại thèm thuồng vì không kịp thời gian để thử hết các món chị chủ nhà kể, đành hẹn chị chuyến đi lần sau.

Ăn xong chúng tôi đi dạo loanh quanh. Một số nhà có đội văn nghệ ở bản đến múa hát. Chúng tôi dừng lại một lúc để xem. Các điệu múa nhìn chung không có gì đặc sắc. Nhưng tôi thích nét ngây thơ của những người dân tộc trong từng cái nhún chân, xoay tay, cả ánh mắt họ nhìn nhau nữa. Lúc về lại chỗ nghỉ trọ, tôi thấy mấy người trọ cùng đang tập trung ở sàn sát bên sàn chúng tôi ở, xem biểu diễn. Nghe đâu nếu bạn đi nhóm nhiều người, có thể mời đội văn nghệ về tận nơi, xem họ biểu diễn và tham gia một số điệu múa cùng họ với giá chừng 700 – 800K cho 1-2 tiếng biểu diễn.

Món cơm lam của người dân tộc Mường ở Hòa Bình được nhiều người biết đến là loại cơm nấu từ nếp nương Hòa Bình hạt nhỏ và rất dẻo. Gạo nếp vo sạch, ngâm qua đêm cho mềm, nén chặt trong gióng giữa của ống tre tươi, bên trong ống có sẵn một thứ nước tinh khiết, thêm vào một ít nước được lấy từ suối, nút lại bằng lá chuối rồi đem đặt quanh đống lửa đốt bằng than củi, dùng tay xoay đều đến khi gạo chín thành cơm ấn tay thấy mềm là được.

Người ta vẫn truyền tai nhau ngày xưa người dân trong bản đi nương rẫy không tiện mang theo nồi, chảo lỉnh kinh nên mới phát minh ra cơm lam. Mỗi lần đi rừng từ sáng sớm đến tối mịt hoặc phải ở lại qua đêm, họ chỉ cần mang theo một ít gạo nếp, một con dao, một hòn đá và bùi nhùi đánh lửa, lúc nào đói thì dừng lại ăn. Sau này, món cơm lam không những phổ biến mà còn trở thành món ăn đặc sản, dễ dàng tìm thấy khắp nơi dọc các vùng Tây Bắc.

Người bán dùng dao chẻ một đầu ống tre, ống nứa rồi khi ăn mỗi người tự tách bỏ lớp vỏ tre bên ngoài ra, bẻ cơm thành từng khúc, chấm với muối vừng. Hôm chúng tôi ăn cơm lam ở bản Lác, cơm không nấu trực tiếp trong ống tre mà gạo nếp được bọc lá chuối rồi mới đút vào ống tre, nên khi ăn tôi ngửi thấy mùi lá chuối rất nhẹ, hơi giống phần vỏ bánh tét. Còn hôm khác chúng tôi ăn cơm lam ở Sapa cùng các món xiên nướng, sau khi tách bỏ ống tre, cơm lam vẫn được bọc kín bởi một lớp giấy mỏng sinh ra từ vỏ tre, ăn luôn cả lớp giấy đó khi cơm còn nóng hổi mới gọi là ngon quên sầu.

Mồng 5 tết. Đó là một ngày mùa đông hiếm hoi tiết trời ấm áp. Buổi sáng, chúng tôi thức dậy trong ngôi nhà sàn ở Bản Lác – Hòa Bình, hai đứa cứ lần lựa mãi mới chịu ra khỏi chiếc chăn ấm cùng chiếc nệm rất êm của nhà nghỉ, gấp chăn nệm đặt vào góc nhà và bắt đầu ngày mới với cơm lam trong ống tre, muối vừng cùng một xiên chả nóng hổi. Gần chục năm kể từ ngày chuyển vào Saigon sống tôi mới lại có một bữa sáng chất chần chật Tây Bắc như thế.

Rồi vẫn như mấy ngày mùa đông khác khi ở miền Bắc, tôi hút một điếu thuốc lào (với lí do “phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc”) rồi ”xách ba lô lên và đi”, tôi còn phải xách theo đống đồ nghề lỉnh kỉnh nào là chân máy, nào là ray trượt, rồi thì flycam… cuốc bộ tới Hang Mỏ Luông, leo lên cửa hang thấy dòng chữ “Hang Mỏ Luông nghỉ Tết đến mồng 8. Xin chào và hẹn gặp lại!”, hai đứa cười một tràng dài ơi là dài rồi đứng ở cửa hang chụp mấy tấm hình, sau đó chúng tôi nói “hẹn gặp lại hang”, giơ tay lên chào hang, rồi sang thăm bản Pom Cọong.

Đối diện với cửa hang Mỏ Luông là con đường mòn dẫn vào bản Pom Coọng. Thật ra, bản Lác và bản Pom Coọng thông nhau. Nhưng ở Pom Coọng ít nhà làm kinh doanh hơn. Chủ yếu là nhà nghỉ. Lác đác vài hàng bán đồ lưu niệm. Dành cho những ai thích sự yên tĩnh, Pom Coọng là một lựa chọn thích hợp. Từ đó có thể đi bộ sang bản Lác ăn uống, mua sắm.

Bài viết tương tự