kỷ luật trong tình yêu
|

Kỷ luật trong tình yêu

Đôi khi mình tự hỏi điều gì giữ cho sợi dây kết nối giữa tụi mình bền chặt? Phải chăng là nhờ những thứ đậm chất nhân sinh như lòng chung thủy hay nhờ đôi điều giản dị như những cuộc chuyện trò, sự quan tâm, chăm sóc dành cho đối phương? Nghiền ngẫm sâu xa, có vẻ như tình yêu cần nhiều hơn thế. Và cũng không mấy ngạc nhiên khi ai đó bảo chúng ta có thể học yêu. Phải, tình yêu thường xảy đến một cách ngẫu nhiên và phi logic. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể học cách nuôi dưỡng tình yêu ấy. Một trong những bài thực hành yêu đầu tiên phải kể đến là kỷ luật!

kỷ luật trong tình yêu

“Chẳng phải con người bỏ ra tám tiếng mỗi ngày để làm việc rất ư đều đặn đó sao? Tuy nhiên, thực tế là, ngoài phạm vi công việc, con người hiện đại có quá ít tự giác về kỷ luật. Khi không làm việc, con người chỉ muốn lười nhác, ườn người ra, hoặc dùng từ dễ nghe hơn là “thư giãn”. Ước muốn lười biếng này đa phần là để phản ứng với việc nề nếp hóa cuộc đời” – Enrich Fromm.

Đặt những dòng miêu tả trên vào bối cảnh tình yêu, có lẽ, ta sẽ cảm thấy khá quen thuộc. Có những lúc, cảm giác xâm chiếm lấy toàn bộ con người ta là sự biếng lười, trong đó, bao gồm cả lười yêu. Trái tim quá chật chội để chứa đựng một người, để lắng nghe họ, thấu hiểu họ, để nhận tình cảm từ họ. Ta chỉ muốn thư giãn. Ta muốn ai đó mang tình yêu tới trao cho mình, bằng sự nuông chiều, ôm ấp, vuốt ve, bảo bọc lấy tâm hồn đang rạn vỡ của mình; mà quên mất, tình yêu giữa hai người vốn là mối quan hệ song phương – có cho, và có nhận.

Kỷ luật trong tình yêu nhắc nhở ta không biếng lười, không chờ đợi; thay vào đó, chủ động hơn để tạo nên tình yêu, nuôi dưỡng tình yêu. Kỷ luật trong tình yêu không có nghĩa mỗi ngày phải nhắn bao nhiêu tin nhắn, mỗi tuần phải hẹn hò mấy lần, mỗi tháng phải đi du lịch mấy chuyến, mỗi năm phải tặng mấy món quà. Kỷ luật trong tình yêu chính là tâm thế chủ động yêu. Người đó phải thực sự muốn yêu, và được yêu. Nếu không, chẳng khác gì đoạn trích dẫn trên kia – tình yêu chỉ mang đến sự thăng hoa nhất thời, nên ta mong tìm đến sự thư giãn sau vài giờ cố gắng ép bản thân vào kỷ luật để làm việc mình chẳng mảy may yêu thích.

Kể ra, thực hành yêu chẳng hề dễ dàng, và nghe qua có vẻ mệt mỏi vì cần rất nhiều nỗ lực. Chẳng trách xung quanh mình đầy những câu chuyện đổ vỡ. Thay vì mất lòng tin vào tình yêu, chúng ta có thể tự hỏi: ta đã thực sự yêu nghiêm túc chưa? Ta sẵn sàng bỏ hàng đống chi phí học hàng vạn kỹ năng để phát triển sự nghiệp, đạt được những mục tiêu đề ra cho sự thành công, vị trí xã hội, để tìm về cái bến đỗ “vợ-đẹp-con-ngoan-chồng-thành-đạt-nhà-cao-cửa-rộng-gia-đình-hạnh-phúc”, nhưng đã bao giờ nghĩ mình sẽ dành thời gian học yêu và rèn luyện kỷ luật trong tình yêu chưa?

Như một điệu tango, hai người bạn nhảy phải đặt kỷ luật cho bản thân, luyện tập chăm chỉ, thuần thục mọi chuyển động mới có thể tự do trong từng bước nhảy.

Bài viết tương tự